Công ty thương mại KHATOCO
15 năm hình thành & phát triển
Tổng công ty Khánh Việt (Khatoco) mà tiền thân là Công ty chuyên doanh Thuốc lá Phú Khánh ra đời vào ngày 4/10/1983, ngày 28/1/1993 đổi tên thành Xí nghiệp Liên hiệp Thuốc lá Khánh Hoà
Các giai đooạn phát triển Khatoco
Nhìn lại 15 năm hình thành và phát triển của Công ty Thương mại Khatoco có thể chia là 3 giai đoạn
Giai đoạn hình thành 2002 – 2004
Công ty Thương mại Khatoco được thành lập trên cơ sở tách ra và sắp xếp lại từ các phòng, chi nhánh trực thuộc XNLH thuốc lá Khánh Hoà gồm Phòng Kinh doanh Dệt May; Phòng nghiệp vụ thị trường và các chi nhánh Hải phòng, Hà Nội, Cần Thơ. Nguồn nhân lực khi thành lập có 108 người trên cơ sở tách một số nhân lực của các bộ phận sáp nhập và điều động ở các đơn vị thành viên trong tổ hợp Tổng công ty Khánh Việt.
Chức năng nhiệm vụ ban đầu là tiêu thụ các sản phẩm vải dệt của Nhà máy dệt Tân Tiến (đơn vị thành viên Tổng công ty) và áo sơ mi do Xí nghiệp may Khatoco sản xuất chủ yếu từ nguồn vải của Nhà máy Dệt Tân Tiến. Quản lý đội xe vận tải hàng hoá với 18 đầu xe tải. Tháng 5/2003 Công ty Thương mại Khatoco thành lập phòng thị trường ngành thuốc lá trên cơ sở rút bộ phận nhân viên thị trường thuốc lá của Nhà máy thuốc lá Khánh Hoà và bổ sung thêm nhân lực mới qua tuyển dụng. Tháng 10/2003 đội xe của công ty tiếp nhận thêm nhiệm vụ đưa đón công nhân trong toàn Tổng công ty Khánh Việt.
Hoạt động của công ty trong giai đoạn này chủ yếu tập trung vào những nhiệm vụ :
- Về ngành kinh doanh thuốc lá: Tiếp nhận và xây dựng củng cố hệ thống đại lý bán hàng trên toàn quốc do XNLH thuốc lá Khánh Hoà bàn giao về.
- Về ngành kinh doanh Dệt – May: Thiết lập mạng lưới tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố trong cả nước để tiếp cần thị trường Dệt – May. Tổ chức giới thiệu, quảng cáo, nghiên cứu thị trường, mẫu mã… để lên kế hoạch sản xuất và đặt hàng theo đơn của khách hàng.
- Quản lý và điều hành phòng vận tải, đảm bảo vận chuyển hàng hoá đầy đủ kịp thời an toàn. Quản lý và điều hành đội xe khách đưa đón công nhân của các đơn vị thành viên .
Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn, nhất là công tác tổ chức và điều hành hoạt động của công ty do đặc thù khi hình thành công ty trên nền tảng là sáp nhập từng mảng hoạt động của từng đơn vị cũ. Cơ cấu tổ chức của công ty trong giai đoạn này ngoài các phòng ban của công ty còn có các chi nhánh Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ. Đến tháng 5/2004 chi nhánh Lao Bảo – Quảng Trị được thành lập nhằm phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn bớt tình hình thuốc lá nhập lậu qua cửa khẩu Lao Bảo, đồng thời hưởng chính sách ưu đãi của khu kinh tế đặc biệt. Nguồn nhân lực đa số chưa được đào tạo chuyên ngành kinh doanh thương mại, các phòng chức năng tham mưu chủ yếu kiêm nhiệm các chức năng. Thị trường phát triển theo hướng tự phát, tháng 5/2003 mới có 40 nhân viên thị trường thuốc lá đầu tiên sau khi được đào tạo nghiệp vụ bán hàng. Ngành Dệt may chia mỏng, mỗi khu vực chỉ có 1 nhân viên làm việc độc lập từ khâu mở đại lý đến cung ứng hàng hoá và thu tiền. Đội xe hoạt động theo hình thức bao cấp chi phí và công suất hoạt động. Mặc dù gặp nhiều khó khăn của thủa ban đầu thành lập, nhưng công ty vẫn vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Năm 2004, Công ty Thương mại Khatoco được UBND Tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích 2 năm liền 2003 – 2004 hoàn thành chỉ tiêu nộp Ngân sách.
Hoạt động kinh doanh thuốc lá
Sản lượng tiêu thụ bình quân năm trong giai đoạn 2002 – 2004 là 480 triệu gói, trong đó thuốc lá liên doanh gồm nhãn hiệu White Horse và Everes tiêu thụ bình quân 210 triệu gói/năm chiếm 44% sản lượng tiêu thụ. Thị trường chính của nhãn thuốc này chủ yếu ở Miền Trung từ Huế vào Nha Trang. Đối với nhóm thuốc lá nội địa trong giai đoạn này chỉ tập trung chủ yếu thị trường Nam bộ với nhãn thuốc Nha trang du lịch hộp 44 triệu gói/năm; Nha Trang du lịch bao mềm 75 triệu gói/năm, thị trường Nghệ An, Hà Tĩnh với nhãn Seabird vàng 65 triệu gói/ năm, thị trường Quảng Nam – Đà Nẵng với nhãn Prince 29 triệu gói/năm, thị trường Tây nguyên với nhãn War Horse 43 triệu gói/năm . Doanh thu tiêu thụ thuốc lá bình quân trong giai đoạn này đạt 2.170 tỷ/năm.
Hoạt động kinh doanh dệt may
Nhiệm vụ chính của hoạt động kinh doanh đối với ngành kinh doanh Dệt may trong giai đoạn này chủ yếu bao tiêu sản phẩm vải của Nhà máy Dệt Tân Tiến và áo sơ mi do Xí nghiệp may Khatoco sản xuất từ nguồn vải của Nhà máy Dệt Tân Tiến cung cấp. Khâu sản xuất và khâu tiêu thụ hoàn toàn độc lập với thị trường nhưng vẫn phải bảo đảm sản lượng để duy trì ổn định sản xuất. Đây là giai đoạn lúng túng trong hướng đi của ngành Dệt may do sản xuất không gắn với thị trường, doanh thu bình quân ngành may mặc chỉ đạt 27 tỷ/năm. Doanh thu tiêu thụ vải mặc dù đạt bình quân 54 tỷ đồng/năm nhưng có xu hướng giảm dần.
Giai đoạn củng cố và định hướng phát triển 2005 – 2008
Có thể nói sau 6 năm đi vào hoạt động, đến năm 2008 cơ cấu tổ chức bộ máy mới đi vào chuyên nghiệp ổn định theo từng chức năng nhiệm vụ của từng phòng ban. Đây là điều kiện căn bản để phát triển chiều sâu trong từng lĩnh vực hoạt động.
Những khó khăn bỡ ngỡ của thời gian đầu đã vượt qua, đây là giai đoạn củng cố và định hướng phát triển trong những năm tiếp theo. Để phù hợp với quy mô của định hướng phát triển, năm 2006 vốn điều lệ của công ty từ 10 tỷ đồng tăng lên 45 tỷ đồng. Thuận lợi lớn nhất trong giai đoạn này là sản phẩm thuốc lá của Khatoco đã khẳng định ở thị trường Miền Trung và Tây nguyên, đặc biệt là nhãn thuốc White horse, Seabird, War Horse, Prince … tạo đà tăng trưởng cao cho các tỉnh từ Thanh Hoá trở vào. Tuy nhiên thị trường Miền Bắc còn bỏ ngỏ, thị trường Miền nam đang có chiều hướng giảm dần thị phần nhãn thuốc Nha Trang du lịch. Ngành dệt may mặc dù đã mở rộng hệ thống đại lý bán hàng trên toàn quốc, tuy nhiên khó khăn lớn nhất vẫn thuộc về khâu sản xuất, đó là kiểu dáng mẫu mã đơn điệu và không phong phú, chất lượng vải tốt nhưng ít chủng loại, màu sắc dễ phai và không ổn định. Bên cạnh đó do chính sách khuyến mãi thuốc lá bằng vải, áo sơ mi những năm trước đã vô tình làm giảm uy tín sản phẩm cũng như rối loạn giá cả trên thị trường làm giảm sức cạnh tranh. Nguồn nhân lực từ những năm đầu chỉ có 108 người đến năm 2005 đã lên tới 333 người là điều thuận lợi, tuy nhiên đa số nhân lực chưa được đào tạo, khâu tuyển chọn đầu vào chưa chặt chẽ nên chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều khó khăn .
Bước vào năm 2005, công ty đã tập trung củng cố lại thị trường thuốc lá và dệt may. Theo đó ngành thuốc lá đã sắp xếp lại hệ thống đại lý trên toàn quốc, thu hẹp những thị trường không có khả năng phát triển để tập trung cho những thị trường có tiềm năng. Mạnh dạn dừng sản xuất những nhãn thuốc sau nhiều năm không tăng trưởng do không phù hợp thị trường hoặc nhãn thuốc không có hiệu quả để tập trung cho những nhãn thuốc đã khẳng định thị trường. Vì vậy số nhãn thuốc của giai đoạn 2002 – 2004 là 32 nhãn thì trong giai đoạn 2005 – 2008 chỉ còn 17 nhãn nhưng sản lượng vẫn tăng. Nếu như sản lượng tiêu thụ bình quân năm trong giai đoạn 2002 – 2004 là 481 triệu gói/năm thì trong giai đoạn 2005 – 2008 tiêu thụ bình quân 617 triệu gói năm, tăng 1,28 lần. Về ngành dệt may đã chấm dứt khuyến mãi vải và áo sơ mi qua thuốc lá, xử lý hạ giá hàng tồn kho và thay đổi thương hiệu sản phẩm áo sơ mi là sản phẩm chủ lực, xây dựng lại hệ thống đại lý bán hàng thay cho điểm mở tràn lan trong giai đoạn đầu, thay đổi chính sách bán hàng dệt may và vải.
Năm 2008 bắt đầu thí điểm mở Showroom giới thiệu sản phẩm ở các Thành phố lớn đồng thời tiến hành bán hàng thanh toán trả tiền ngay song song với hình thức trả chậm có định mức nợ và hạn nợ cho các đại lý, xoá bỏ hình thức bán ký gửi như thời gian trước đây. Chú trọng và chủ động trong khâu thiết kế mẫu vải tránh tình trạng thụ đồng trông chờ mẫu từ nhà sản xuất. Tiến hành nhiều hội nghị khách hàng cho cả ngành Thuốc lá và dệt may theo từng vùng trên toàn quốc để điều chỉnh thị trường cho phù hợp và tạo sự gắn kết giữa nhà sản xuất và hệ thống bán hàng nhằm đáp ứng yêu cầu kịp thời của thị trường. Về nguồn nhân lực đã tập trung đào tạo lại, bổ sung thay thế để củng cố lại. Riêng năm 2007 đã tuyển dụng mới 110 người và đến năm 2008 tổng số lao động lên 483 người. Nâng cao vai trò kiểm tra giám sát mọi hoạt động từ công ty đến các chi nhánh tránh tiêu cực xảy ra.
Những định hướng được vạch ra cho công ty là phải xây dựng công ty thương mại Khatoco thành một doanh nghiệp thương mại chuyên nghiệp. Xây dựng hệ thống bán hàng các cấp theo hướng quy mô vừa rộng vừa sâu, đội ngũ nhân viên năng động, trung thực và làm việc chuyên nghiệp. Xác định Thành phố Hồ chí minh là thị trường trọng điểm để phát triển thương hiệu và các sản phẩm tiêu thụ , tháng 11/2008 chi nhánh Thành phố Hồ chi Minh ra đời.
Đặc biệt tháng 11/2008, Công ty Thương mại được Tổng công ty giao thêm nhiệm vụ tiêu thụ toàn bộ sản lượng thịt đà điểu cá sấu của Tổng công ty trên thị trường toàn quốc trên cở sở sáp nhập bộ phận thị trường của Công ty kinh doanh Đà điểu cá sấu vào công ty Thương mại Khatoco. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của Công ty được lãnh đạo tin tưởng. Quy mô và cơ cấu tổ chức của Công ty vào cuối giai đoạn 2005 – 2008 như sau:
- Ban Giám đốc
- Phòng Hành chính – Nhân sự
- Phòng Kế toán tài chính
- Phòng kinh doanh thuốc lá
- Phòng kinh doanh Dệt May
- Phòng kinh doanh thịt đà điểu cá sấu
- Phòng vận tải
- Cùng 6 chi nhánh trên toàn quốc .
Hoạt động kinh doanh thuốc lá
Hoạt động kinh doanh dệt may
Hoạt động kinh doanh toàn ngành
Giai đoạn xây dựng và phát triển bền vững 2009 – 2012
Đây là giai đoạn chịu sự ảnh hưởng nặng nề tác động của nền kinh tế trong nước và trên thế giới. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vào cuối năm 2008 chưa đi qua hết đã dến cơn bão khủng hoảng tài chính 2010 và sự sụp đổ của hàng loạt hệ thống Ngân hàng, nợ công của các nước Châu Âu năm 2011. Trong bối cảnh đó, là công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại đã chịu áp lực không nhỏ để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đạt được kết quả trên ngoài sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của lãnh đạo Tổng công ty Khánh Việt còn phải khẳng định rằng đây là kết quả của giai đoạn củng cố và định hướng phát triển ( 2005 – 2008 ) đúng hướng và kịp thời.
Trong giai đoạn này, Công ty đã thay đổi mạnh mẽ về công tác quản trị nguồn nhân lực. Tái cấu trúc lại toàn bộ sơ đồ tổ chức, sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng phòng chức năng, từng chi nhánh trong phạm vi toàn quốc. Sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện Quy chế tiền lương – tiền thưởng. Tuyển mới để bổ sung nguồn nhân lực, tiến hành tổng kiểm tra đánh giá lại năng lực toàn bộ nhân viên để sắp xếp lại, đào tạo lại, luân chuyển qua các ngành các vùng cho phù hợp.
Tập trung các chính sách, giải pháp để phát triển thương hiệu theo cách làm, hướng đi mang tính chuyên nghiệp. Ngành thuốc lá đã ra soát sắp xếp lại thị trường, theo đó các thị trường không có khả năng phát triển đã thu hẹp nguồn lực để dồn cho các thị trường có tiềm năng. Ngành dệt may thay đổi chiến lược kinh doanh, tái cấu trúc lại các dòng sản phẩm đã bước đầu xác định hướng đi mới trong định hướng phát triển.
Hệ thống nhận diện thương hiệu ra đời đã tạo điều kiện để phát triển thương hiệu một cách bài bản , chuyên sâu. Mẫu mã sản phẩm đã có sự thay đổi lớn, đa dang và phong phú hơn với nhiều dòng sản phẩm ở nhiều cấp độ giá khác nhau. Chính sách cho nhà đại lý linh hoạt hơn đã thúc đẩy chuyển hình thức ký gửi sang hình thức trả tiền ngay.
Việc khai trương đưa vào sử dụng Tổng kho Đà Nẵng tháng 12/2009 cùng Tổng kho Nghệ An đã giảm cường độ và thời gian vận chuyển hàng, bảo đảm tính an toàn và khai thác hiệu quả đầu xe.
Nhìn lại chặng đường 1 thập niên xây dựng và trưởng thành, Công ty Thương mại Khatoco đã vượt qua nhiều khó khăn từ phía khách quan và từ nguyên nhân nội tại, có những thời điểm khó khăn thách thức tưởng chừng không thể vượt qua được.
Nhưng được sự chỉ đạo chặt chẽ của Lãnh đạo Công ty mẹ – Tổng công ty Khánh Việt, sự phối hợp và hợp tác tích cực của các đơn vị thành viên trong Tổng công ty. Đặc biệt là sự nỗ lực không mệt mọi của tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên, Công ty Thương mại Khatoco đã tự khẳng định được vị trí vai trò của mình trong tổ hợp Công ty mẹ công ty con Tổng công ty Khánh Việt.
Hoạt động kinh doanh thuốc lá
Hoạt động kinh doanh dệt may
Hoạt động kinh doanh ngành
Đà điểu – Cá sấu
Hoạt động ngành vận tải
Hoạt động kinh doanh toàn ngành
Chỉ tiêu
|
Đv tính
|
Năm 2004
|
Năm 2008
|
Năm 2011
|
---|---|---|---|---|
Doanh thu
|
1.000 đ
|
2.555.619.000
|
3.615.678.935
|
6.311.238.724
|
– Ngành thuốc lá
|
1.000 đ
|
2.443.379.000
|
3.545.740.945
|
6.167.502.000
|
– Ngành Dệt may
|
1.000 đ
|
26.565.000
|
55.465.000
|
116.748.000
|
– Ngành ĐĐ CS
|
1.000 đ
|
– |
585.000
|
18.845.000
|
Lợi Nhuận
|
1.000 đ
|
49.968.000
|
114.585.000
|
116.557.172
|
Lao động
|
Người
|
178
|
453
|
458
|